TP.HCM ra mắt Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam
Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) do Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao phối hợp với Công ty Sun Electronic xây dựng là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam đào tạo điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 25/3, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics tổ chức lễ ra mắt, đưa vào vận hành mô hình Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC), trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam
TP.HCM là địa phương tiên phong phát triển công nghệ cao
Tại buổi lễ, ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn luôn là định hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua.
Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển sản phẩm công nghệ cao, trong đó có các sản phẩm vi mạch điện tử và chip bán dẫn.
Đồng thời, Bộ cũng đã phối hợp với các bộ ngành bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, bao gồm các dự án sản xuất chip…
“Nhiều năm qua, Bộ KH&CN đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ lĩnh vực này”, ông Đạt nói.
Ngoài ra, ông Đạt cho rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ sinh thái về nghiên cứu thiết kế vi mạch, ứng dụng vi mạch tại Việt Nam đã từng bước được hình thành. TP.HCM là địa phương khẳng định vị thế tiên phong về phát triển công nghệ cao và các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có sản phẩm của công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu chủ trương để tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Ông Đạt kỳ vọng, TP.HCM tiếp tục đóng góp, cung cấp các luận cứ cho việc hoàn thiện các chủ trương, thể chế, cơ chế chính sách nói trên, nhất là với lĩnh vực phát triển công nghệ cao, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, ông đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM tiếp tục triển khai có hiệu qủa việc hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ để thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.
Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, với vị trí và điều kiện hiện tại, TP.HCM xác định công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là một ưu tiên tập trung phát triển trong thời gian tới. Thành phố chọn cách tiếp cận đột phá đó là đi thẳng vào thiết kế, thiết kế sản phẩm, thiết kế chip… và đã có sự chuẩn bị cả về thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực cùng các điều kiện khác.
Về vai trò của đội ngũ các chuyên gia, ông Mãi đánh giá rất cao và cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài sẽ quay trở lại hợp tác để cùng phát triển. Trong thời gian sắp tới, UBND TP.HCM sẽ nghiên cứu có cơ chế chính sách hỗ trợ trung tâm trong thời gian tới, như chương trình học bổng, tạo diều kiện cho trung tâm hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra, ông Mãi thông tin, TP.HCM đang đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về cơ chế đột phá phát triển cho TP.HCM. Trong đó có những nội dung cơ chế chính sách liên quan tới phát triển doanh nghiệp điện tử vi mạch bán dẫn, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Dự kiến tháng 5/2023, Quốc hội sẽ bàn và thông qua gói Nghị quyết mở đường cho TP.HCM phát triển các hoạt động này.
Về cơ sở vẩt chất, lãnh đạo TP.HCM cho hay, hiện nay TP.HCM có khu công nghệ cao và một số cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động liên quan. TP.HCM sẽ phát triển giai đoạn 2 của khu công nghệ cao cũng như phát triển thêm nhiều cơ sở vật chất khác để có điều kiện về cơ sở vật chất phát triển ngành. Cạnh đó, thành phố cũng đang rà soát lại để có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, kể cả ươm tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Cụ thể, TP.HCM đang có kế hoạch đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho 8 ngành chủ lực, trong đó có nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn. Hợp tác giữa UBND TP với Đại học Quốc gia TP.HCM cũng xác lập khuôn mẫu đào tạo nhân lực chung để phát triển thành phố, trong đó liên quan nhiều đến công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng, mô hình đào tạo nghiên cứu, cách tiếp cận như trung tâm IETC là quan trọng, do đó cần có sự kết nối giữa trung tâm với các cơ sở đào tạo tại TP.HCM để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận dần để chất lượng, hiệu quả đào tạo được tốt nhất.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics đã ký kết các hợp tác với Mediatek để áp dụng các chipset của các công ty này trong hoạt động đào tạo, thiết kế sản phẩm tại Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) và ký kết hợp tác với Trung tâm sáng tạo Quốc Gia (NIC) để triển khai mô hình IETC tại NIC tại Hà Nội.
Như vậy, cùng với Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC), IETC là hai công cụ rất quan trọng, hợp thành một hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam trong các ngành điện tử, vi mạch là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch.