Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn: ‘Sự liên kết kỳ diệu’
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, sự thành lập Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn ở Khu Công nghệ cao TP.HCM có sự liên kết tạo nên điều kỳ diệu. Đó là liên kết của những người con đất Việt thành đạt và phát triển trên toàn thế giới.
Chiều 6.9, Ban Quản lý Khu Công nghệ (KCN) cao TP.HCM tổ chức lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn Electronics and Semiconductor Center (ESC). ESC là sự hợp nhất của Trung tâm thiết kế vi mạch KCN cao TP.HCM (SCDC) và Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC).
Tại sao chọn phát triển ngành vi mạch bán dẫn?
Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý KCN cao TP.HCM cho biết, định hướng phát triển sắp tới của KCN cao là tập trung vào phát triển một số ngành công nghiệp tính chất nền tảng, có sức lan tỏa lớn cho cả nước và khu vực. Trong đó, nhấn mạnh ngành vi mạch bán dẫn.
Theo ông Thi, tình hình chung của nền công nghiệp Việt Nam hiện đang phụ thuộc vào FDI, cần phải thoát ra được tình trạng này và TP.HCM phải làm được điều đó.
Ông Thi lý giải tại sao chọn ngành điện tử vi mạch bán dẫn là định hướng phát triển. Từ thực tiễn khách quan của các nước phát triển trên thế giới phát triển nền công nghiệp điện tử mạnh, sau đó là vi mạch, cuối cùng mới là công nghiệp hóa. Tất cả các nước đều đi qua lộ trình này, Việt Nam cũng không khác đi.
Ông Thi cho biết Việt Nam hiện hạn chế là không có những công ty trong nước có khả năng phát triển những sản phẩm mang thương hiệu Việt, chưa có các nhà máy có cơ sở hạ tầng đáp ứng sản xuất thiết bị điện tử, những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… Theo đó, muốn làm ra những sản phẩm tốt, xuất khẩu được ra nước ngoài đòi hỏi nhà máy tiên tiến. Lịch sử phát triển của Hàn Quốc phải mất 17 năm để phát triển ngành công nghiệp điện tử từ con số 0, thì Việt Nam trong bối cảnh hiện nay có thể đi nhanh hơn.
“Nếu có lộ trình đi đúng thì chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian phát triển. Cần dịch chuyển phát triển doanh nghiệp nội địa, phát triển sản phẩm điện tử, con chip trong nước, chúng ta phải tự thiết kế được và sản xuất được”, ông Thi chia sẻ và bày tỏ mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ trong lộ trình phát triển sắp tới của KCN cao TP.HCM.
Đào tạo và tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao
Trưởng ban Quản lý KCN cao TP.HCM cho biết, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, cần tận dụng lực lượng người Việt Nam ở các nước tiên tiến có tri thức, có khát vọng cống hiến. Theo ông Thi, lực lượng trong nước là cơ bản, lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài là đột phá.
Ông Thi cho biết, theo nhận định của các công ty hàng đầu ở Mỹ, Việt Nam có 2 thế mạnh ở khâu thiết kế và đóng gói. “Sắp tới, chúng ta phải có rất nhiều nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia khâu thiết kế. Vừa rồi, chúng ta có mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm đào tạo KCN cao TP.HCM sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn”, ông Thi nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thành lập Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn là sự kiện ý nghĩa, là cột mốc quan trọng của TP.HCM. Hiện nay TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội để có những cơ chế, chính sách, mô hình mới. Phó thủ tướng khẳng định, sau một thời gian dài là đầu tàu phát triển của đất nước, đây là lúc TP.HCM cần có động lực mới trong quá trình phát triển.
Theo đó, Trung tâm đào tạo là kết quả của sự hợp tác liên kết chiến lược giữa KCN cao của TP.HCM với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vi mạch và sự liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu… Đặc biệt, theo Phó thủ tướng, trung tâm đào tạo vi mạch bán dẫn có sự liên kết làm nên “điều kỳ diệu của Việt Nam”.
“Tôi cho rằng, liên kết tạo nên điều kỳ diệu của Việt Nam, làm nên made in Việt Nam, đó là liên kết của những người con đất Việt đã thành đạt và phát triển trên phạm vi toàn thế giới. Tôi xúc động khi họ đang thể hiện tình yêu quê hương và nêu cao tinh thần hợp tác để phát triển đất nước của chúng ta”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Ông Trần Hồng Hà bày tỏ tâm đắc với nhận định không có đất nước công nghiệp mạnh nào nếu không có ngành công nghiệp điện tử mạnh; không có một ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp về vi mạch bán dẫn; sẽ không có một ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nào mạnh nếu không có đội ngũ tri thức có đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này.
“Tất cả đều xuất phát từ con người. Chúng ta đang nhìn vào các quốc gia đi trước đó là đầu tư rất nhiều tỉ đô, và trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta chỉ có thể vượt qua được thách thức và đón nhận cơ hội khi lựa chọn con đường phát triển xanh, chuyển đổi xanh. Chúng ta đã chọn nguồn tài nguyên vô tận đó là trí tuệ, và chúng ta đã chọn việc huy động kết nối, hợp tác để thu hút nhân tài, đó là động lực cho phát triển”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp thu đầy đủ và thực hiện sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Theo ông Mãi, đến thời điểm này có thể khẳng định KCN cao TP.HCM đã đi đúng hướng về các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn đầu tiên, hiện đang hoàn thiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2 với định hướng phát triển công viên khoa học công nghệ.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sắp tới TP.HCM sẽ nghiên cứu phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng để phục vụ các ngành công nghệ cao trong đó có ngành vi mạch bán dẫn. Đồng thời bày tỏ mong muốn chào đón hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, phát triển các ngành công nghệ cao.